Mức phạt đối với hành vi xây dựng Website không đăng ký, không thông báo với Bộ công thương

Mức phạt đối với hành vi xây dựng Website không đăng ký, không thông báo với Bộ công thương

Các doanh nghiệp kinh doanh thông qua kênh website thương mại điện tử hiện đang quan tâm đến việc đăng ký website của họ với Bộ Công Thương vì họ băn khoăn không biết liệu website của họ có cần phải đăng ký hay không. Nếu xây dựng website mà không đăng ký, thông báo với Bộ Công thương thì bị xử phạt như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giải đáp thắc mắc trên.

  1. Quy định về việc đăng ký, thông báo với Bộ Công thương đối với Website

1.1. Website cần đăng ký với Bộ Công thương

Theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung, Thông tư số 47/2014/TT-BCT và Nghị định số 185/2013/ND-CP thì tất cả các website hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử đều phải thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương thông qua hướng dẫn tại địa chỉ web http://online.gov.vn/ – Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử. 

Căn cứ tại khoản 1 Điều 36, khoản 1 Điều 41, khoản 1 Điều 46 và Điều 54 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử quy định, những website cần thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công thương gồm:

  • Sàn giao dịch thương mại điện tử

Theo khoản 9 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. Lưu ý rằng, sàn giao dịch thương mại điện tử không bao gồm các website giao dịch chứng khoán trực tuyến.

  • Website khuyến mại trực tuyến

Theo khoản 10 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định website khuyến mại trực tuyến là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại. Các hình thức của website khuyến mại trực tuyến được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 47/2014/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 20/01/2015

  • Website đấu giá trực tuyến

Theo khoản 11 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định website đấu giá trực tuyến là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó. 

1.2. Website cần thông báo với Bộ Công thương

Căn cứ tại Điểm a Khoản 33 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định việc thông báo website với Bộ Công thương là bắt buộc đối với website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến (website thương mại điện tử bán hàng) hoặc có hoạt động xúc tiến thương mại. Theo khoản 12 Điều 3 Nghị định 52/2013 quy định chức năng đặt hàng trực tuyến là một chức năng được cài đặt trên website thương mại điện tử hoặc trên thiết bị đầu cuối của khách hàng và kết nối với website thương mại điện tử để cho phép khách hàng khởi đầu quá trình giao kết hợp đồng theo những điều khoản được công bố trên website đó, bao gồm cả việc giao kết hợp đồng với hệ thống thông tin tự động. Tại khoản 10 Điều 3 Luật thương mại 2005, xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại. Như vậy, website thương mại điện tử bao gồm những chức năng như: bán hàng, giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ, quảng cáo, giới thiệu doanh nghiệp, ... đều là một phần quy trình của hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa, dịch vụ nên cần thông báo với Bộ Công Thương trước khi đưa vào hoạt động.

  1. Mức phạt đối với hành vi xây dựng website không đăng ký, thông báo với Bộ Công thương

  • Phạt vi phạm hành chính

Mức xử phạt khi không đăng ký, thông báo website với Bộ Công thương được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 62 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm d Khoản 33 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP), phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 20.000.000 đồng đối hành vi không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng. 

Ngoài ra còn được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 62 Nghị định 98/2020/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng - 30.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký website với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Lưu ý, mức phạt tiền đối với hành vi không đăng ký website với Bộ Công thương được quy định tại điểm b khoản 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP) áp dụng đối với cá nhân, đối với doanh nghiệp sẽ gấp 02 lần mức phạt trên. Như vậy, mức phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp không thực hiện việc đăng ký, thông báo với Bộ Công thương là con số không nhỏ.

  • Ngoài phạt vi phạm theo quy định của pháp luật, hành vi này còn tồn tại một số rủi ro trong kinh doanh khác như:

  • Rủi ro về bảo mật thông tin cá nhân và lợi ích hợp pháp của các bên

Đăng ký website với Bộ Công thương là nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh. Khi website thương mại điện tử đã được thông báo hoặc đăng ký hợp pháp, tất cả hoạt động trên website được coi là hợp pháp, công khai và minh bạch. Quyền lợi và lợi ích của website bán hàng được bảo vệ theo quy định của pháp luật, đảm bảo các hoạt động trên website là hợp pháp và được bảo vệ.

  • Rủi ro liên quan đến uy tín của website doanh nghiệp

Việc đăng ký, thông báo website với Bộ Công Thương cho phép doanh nghiệp sử dụng logo xác nhận từ Bộ Công Thương và liên kết đến trang xác nhận trên website của doanh nghiệp, khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp. Nếu không thực hiện thủ tục đăng ký, thông báo website, doanh nghiệp có thể bị người tiêu dùng đánh giá thấp về độ uy tín, dẫn đến giảm doanh số bán hàng.

  • Rủi ro về cạnh tranh không lành mạnh

Doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ từ phía nhà nước, chẳng hạn như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể bị đối thủ cạnh tranh lợi dụng, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Việc đăng ký, thông báo website thương mại điện tử với Bộ Công Thương giúp cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ để kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên website thương mại điện tử, từ đó ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Để tránh những rủi ro trên, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cần thực hiện thủ tục đăng ký, thông báo với Bộ Công Thương theo quy định. Thủ tục đăng ký hoặc thông báo website thương mại điện tử được thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương.

 

Bài trước Bài sau