Các thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam cho người đang sinh sống tại nước ngoài
- Người viết: Support lúc
- Tin tức
Trên thực tế có rất nhiều trường hợp người Việt Nam tha hương vì nhiều lý do: Nay về già họ tha thiết được trở lại quê hương chung sống với con cái tại Việt Nam, Muốn về nước để lập nghiệp . Một trong những vấn đề mà bà con kiều bào quan tâm khi quay lại Việt Nam chính là về việc đăng ký thường trú. Vậy thực hiện thủ tục đăng ký thường trú cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong trường hợp cha mẹ trở về với con sẽ phải chuẩn bị những giấy tờ gì? Cùng Clead tìm hiểu trong bài viết này nhé:
I. Như thế nào là người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Luật Quốc tịch 2014 đưa ra khái niệm người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau:
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Như vậy có thể hiểu, người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm 2 nhóm sau đây:
Nhóm thứ nhất là công dân Việt Nam Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Nhóm thứ hai là người gốc Việt Nam Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài
II. Đăng ký thường trú cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
1.Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được đăng ký thường trú tại Việt Nam hay không?
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú quy định
Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con
Như vậy, Việt kiều vẫn được xem là công dân Việt Nam và được quyền đăng ký thường trú khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
2. Hồ sơ đăng ký thường trú cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong trường hợp cha, mẹ về ở với con
Thành phần hồ sơ:
- Tờ khai thay đổi thông tin về cư trú - Mẫu CT02 ban hành kèm theo Thông tư số 66/2023/TT-BCA. Trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: Giấy khai sinh; chứng nhận hoặc quyết định việc nuôi con nuôi; quyết định việc nhận cha, mẹ, con; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú; Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng có chứa thông tin thể hiện quan hệ nhân thân cha hoặc mẹ với con; quyết định của Tòa án, trích lục hộ tịch hoặc văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định, cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận về quan hệ cha, mẹ với con.
- Hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng.
Lưu ý: Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam lần gần nhất bằng hộ chiếu do nước ngoài cấp hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc sử dụng hộ chiếu Việt Nam nhưng bị mất, hết hạn thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc hộ chiếu Việt Nam bị mất, hết hạn. Ngoài ra còn phải có các tài liệu sau đây:
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch
+ Giấy tờ dùng để nhập cảnh vào Việt Nam khi đăng ký thường trú để được cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Bộ Công an xem xét, cấp văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú.
Nơi đăng ký:
- Trường hợp đã xuất cảnh và đang cư trú ở nước ngoài thì liên hệ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.
- Trường hợp đã về nước thì liên hệ Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh (Bộ Công an) hoặc công an tỉnh, thành nơi đề nghị được về thường trú..
Căn cứ pháp lý:
Luật Quốc tịch 2014
Luật Cư trú 2020
Nghị định 62/2021/NĐ – CP
Thông tư 51/2021/TT – BCA
Thông tư 66/2023/TT – BCA