Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.

Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.

Ngày 25/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử. Một số điểm mới nổi bật được ghi nhận tại Nghị định 85/2021/NĐ - CP:

1. Thông tin hàng hóa, dịch vụ phải công bố trong giao dịch thương mại điện tử

Để đảm bảo tính minh bạch thông tin hàng hoá, dịch vụ trong hoạt động thương mại điện tử, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hóa những thông tin hàng hóa phải công khai trên website thương mại điện tử, bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.

2. Đơn giản hóa thủ tục đăng ký website Thương mại điện tử

Trước đây, hồ sơ đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử yêu cầu phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy phép đầu tư (đối với thương nhân).

Từ 01/01/2022, liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thương nhân cần nộp một trong những loại giấy tờ sau:

+ Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu quyết định thành lập (đối với tổ chức);

+ Bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp (đối với thương nhân);

+ Giấy phép kinh doanh (đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài).

3. Trách nhiệm cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử

Về hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử, tại khoản 4 Điều 63 Nghị định 52/2013 có quy định: Bộ Công Thương quy định chi tiết về thủ tục thành lập và quy chế hoạt động của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; các trường hợp thu hồi giấy phép hoạt động; trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi bổ sung, thu hồi giấy phép hoạt động của các thương nhân, tổ chức này. Việc nộp, tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử được Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn.

4. Chủ thể của hoạt động thương mại điện tử

Khoản 6 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi khoản 5 Điều 24 Nghị định 52/2013/NĐ-CP bổ sung chủ thể là thương nhân cung cấp dịch vụ logistics nói chung và vận chuyển hàng hóa giao dịch qua sàn thương mại điện tử nói riêng chính thức được công nhận là chủ thể của hoạt động thương mại điện tử. Cùng với đó, trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ logistics trong quá trình giao dịch qua sàn thương mại điện tử cũng được đề cập đến tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 85/2021/NĐ-CP.

5. Quy định chính sách kiểm hàng - điều kiện giao dịch chung.

Từ ngày 01/01/2022, chính sách kiểm hàng sẽ được coi là một trong những điều kiện giao dịch chung bắt buộc mà thương nhân, tổ chức, cá nhân phải công bố trên website thương mại điện tử. Bên cạnh đó, với các website có chức năng đặt hàng trực tuyến, người bán phải có cơ chế để khách hàng đọc và bày tỏ sự đồng ý riêng với các điều kiện giao dịch chung trước khi gửi đề nghị giao kết hợp đồng. Quy định này sẽ khiến các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử phải gia cố thêm tính năng để đảm bảo người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận, xem xét và đưa ra quan điểm cá nhân trước khi tiến hành các bước tiếp theo trong giao dịch mua sắm trực tuyến.

6. Bổ sung kênh hoạt động thương mại điện tử.

Từ ngày 01/01/2022, bên cạnh hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử thông qua website như trước đây, thương nhân, tổ chức còn được thực hiện hoạt động thương mại điện tử thông qua các mạng xã hội như: Facebook, zalo, instagram…

7. Tăng cường trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong việc quản lý các giao dịch trên nền tảng của mình

Nghị định số 85/2021/NĐ-CP bổ sung một số trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT như sau: yêu cầu người bán nước ngoài cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 29 Nghị định 52, và các thông tin này phải được dịch sang tiếng Việt; gỡ bỏ thông tin hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đáp ứng nhu cầu phản ứng nhanh trong quá trình xử lý vi phạm trên môi trường điện tử; phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ để gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi có căn cứ xác thực; Cung cấp thông tin với cơ quan nhà nước về thông tin các đối tượng có hành vi vi phạm, chủ động cập nhập từ khoá để lọc thông tin hàng hoá, dịch vụ theo khuyến cáo của cơ quan quản lý chức năng, đồng thời phải tham gia giải quyết khiếu nại, phản ánh và tranh chấp tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương.
Tải văn bản ở đây

Bài sau