
NGƯỜI VIỆT NAM ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI KHÔNG CÒN GIẤY TỜ CHỨNG MINH QUỐC TỊCH VIỆT NAM THÌ LÀM CÁCH NÀO ĐỂ XÁC NHẬN CÒN QUỐC TỊCH VIỆT NAM
- Người viết: Support lúc
- Tin tức
Nhiều người thắc mắc sau khi vượt biên hoặc rời Việt Nam "vì lý do nhạy cảm" thì còn quốc tịch Việt Nam hay không? Những người này cho hay đã rời Việt Nam hơn 30 năm, mất hết giấy tờ, kể cả giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam. Song, họ có nỗi niềm day dứt về quốc tịch và muốn được công nhận là công dân Việt Nam, xác nhận quốc tịch Việt Nam nếu còn quốc tịch Việt Nam.
I. Như thế nào là người Việt Nam định cư ở nước ngoàiLuật Quốc tịch 2014 đưa ra khái niệm người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau:
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Như vậy có thể hiểu, người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm 2 nhóm sau đây:
- Nhóm thứ nhất là công dân Việt Nam Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
- Nhóm thứ hai là người gốc Việt Nam Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
II. Các loại giấy tờ nào có thể chứng minh còn quốc tịch Việt Nam
Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam được quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch 2014 như sau:
Một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam:
- Giấy khai sinh. Trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ
- Giấy chứng minh nhân dân
- Hộ chiếu Việt Nam
- Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
III. Thủ tục đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam
1. Trường hợp vượt biên hoặc rời Việt Nam vì “lý do nhạy cảm” thì có bị mất quốc tịch Việt Nam hay không?
Căn cứ để xác định đã mất quốc tịch Việt Nam được ghi nhận tại Điều 26 Luật Quốc tịch như sau:
- Được thôi quốc tịch Việt Nam.
- Bị tước quốc tịch Việt Nam.
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 và Điều 35 của Luật này.
- Theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Có thể hiểu, một người không đương nhiên bị mất quốc tịch Việt Nam. Công dân Việt Nam chỉ mất quốc tịch khi người đó làm thủ tục xin thôi quốc tịch, hoặc bị tước quốc tịch, và phải được thể hiện bằng văn bản quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, những trường hợp vượt biên hoặc rời Việt Nam vì “lý do nhạy cảm” nếu chưa làm thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam hoặc không bị tước quốc tịch Việt Nam thì không bị mất quốc tịch Việt Nam.
2. Vậy các trường hợp vượt biên hoặc rời Việt Nam vì “lý do nhạy cảm” nhưng không còn giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam muốn xác nhận còn quốc tịch Việt Nam thì cần làm thủ tục gì?
Trong trường hợp Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật Quốc tịch thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam.
Thành phần hồ sơ:
- Tờ khai đề nghị đăng ký xác định có quốc tịch (tải tại đây), kèm theo 04 ảnh 4 cm x 6 cm, chụp chưa quá 6 tháng
- Bản sao của các loại giấy tờ sau đây:
+ Giấy tờ về nhân thân của người đó như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Thẻ căn cước, Căn cước điện tử, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp;
+ Giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ tương tự do chính quyền cũ trước đây cấp, kể cả Giấy khai sinh trong đó không có mục quốc tịch hoặc mục quốc tịch bỏ trống nhưng trên đó ghi họ tên Việt Nam của người yêu cầu và cha, mẹ của người đó, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quốc tịch Việt Nam của người yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
+ Trong trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, người yêu cầu phải lập bản khai lý lịch, kèm theo một trong các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định 16/2020/NĐ - CP để làm cơ sở xác minh quốc tịch Việt Nam.
Lệ phí:
Lệ phí đề nghị đăng ký để được xác định có quốc tịch Việt Nam được quy định tại tiểu mục 3 Mục II Phần II Quyết định số 1217/QĐ – BTP năm 2020, cụ thể:
- Trường hợp người có yêu cầu để được xác định quốc tịch Việt Nam mà không cấp hộ chiếu Việt Nam: Được miễn lệ phí đăng ký.
- Trường hợp người có yêu cầu để được xác định quốc tịch Việt Nam và cấp hộ chiếu Việt Nam: 70 USD.
Thời hạn xử lý:
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc đối với trường hợp có đủ căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam;
- Trong thời hạn 55 ngày làm việc đối với trường hợp chưa đủ căn cứ xác định quốc tịch Việt Nam.
Nơi đăng ký:
- Trường hợp đã xuất cảnh và đang cư trú ở nước ngoài thì liên hệ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.
- Trường hợp đã về nước thì liên hệ Sở Tư pháp tỉnh/ Thành phố đang cư trú.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Trích lục đăng ký xác định có quốc tịch Việt Nam.