Hệ thống pháp luật về thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay bao gồm nhiều văn bản như Nghị định 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP), Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ) và các quy định liên quan. Tuy nhiên, một số quy định đã bộc lộ những bất cập, gây khó khăn trong quá trình áp dụng.
Các hạn chế, bất cập của quy định pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử
Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử rất đa dạng. Các văn bản phổ biến là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của chính phủ quy định thương mại điện tử, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP và Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP. Được ban hành từ rất sớm nên cho đến hiện tại, một số quy định đã không còn phù hợp và bộc lộ các hạn chế nhất định.
Thứ nhất, giữa các văn bản quy phạm pháp luật có sự mâu thuẫn về nội dung.
Nghị định số 52/2013/NĐ-CP quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử. Trong đó có hành vi quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định vi phạm về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử: “Lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”. Nhưng đối chiếu với quy định tại Khoản 6 Điều 64 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ thương mại điện tử trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới” thì có sự mâu thuẫn. Vì hành vi tại Khoản 6 Điều 64 Nghị định 98/2020/NĐ-CP là hành vi bị cấm theo điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP nhưng hành vi này đã được sửa đổi bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP. Do đó, Nghị định 98/2021/NĐ-CP vẫn chưa có sự điều chỉnh hay cập nhật theo sự sửa đổi nội dung của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP theo Nghị định 85/2021/NĐ-CP.
Thứ hai, chưa xác định rõ thẩm quyền được xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp phát hiện có hành vi trái pháp luật.
Theo nguyên tắc chung được quy định tại Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) được hướng dẫn Chương II, Điều 41 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, Khoản 3 Điều 6 Nghị định 118/2021/NĐ-CP trường hợp nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính có quy định nhiều chức danh của các lực lượng có thẩm quyền xử phạt thuộc nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau tham gia xử phạt, thì phải quy định rõ thẩm quyền xử phạt của các lực lượng đó đối với từng điều khoản cụ thể. Tuy nhiên, khi đối chiếu với Điều 88 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì thẩm quyền xử phạt của các chức danh theo từng điều khoản dành cho hoạt động thương mại điện tử từ Điều 62 đến Điều 66 chỉ mới quy định một cách bao quát, chưa có quy định cụ thể dẫn đến việc khó xác định ai sẽ đảm nhận xử phạt đối với hành vi vi phạm. Nếu chỉ dựa vào khung tiền phạt để xác định ai có thẩm quyền thì một hành vi vi phạm sẽ có thể được xử phạt bởi rất nhiều chủ thể, dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau hoặc xử phạt không được nhất quán, nhanh chóng để đảm bảo nguyên tắc xử lý được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, Nghị định 98/2020/NĐ-CP đang theo xu hướng xử phạt căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng nhưng đối chiếu với các quy định về vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là chưa phù hợp.
Bởi lẽ, kinh doanh thương mại điện tử là kinh doanh trên nền tảng số, khó kiểm soát và nguồn thu đem lại là rất lớn, nếu chỉ dựa vào hành vi thì mức xử phạt và tương quan lợi ích kinh tế thu lại thì một số chủ thể chấp nhận mức xử phạt đó để thu lại lợi nhuận nhiều hơn. Nghị định 98/2020/NĐ-CP còn thiếu điều kiện riêng để quy định về mức xử phạt tiền đối với các hành vi vi phạm luật định.