Làm sao để đăng ký hoạt động Thương mại điện tử của công ty có vốn đầu tư nước ngoài?
- Người viết: Support lúc
- Tin tức
Trong thời đại công nghệ phát triển, mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Việc thành lập các sàn “Thương mại điện tử” đang dần trở nên phổ biến hơn để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Một số trang “Thương mại điện tử” như Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop,…đã được đầu tư và phát triển vô cùng hiệu quả. Điều này là tiền đề vững chắc để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn lĩnh vực này để tham gia đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam.
Để vừa bảo vệ các nhà phát triển sàn “Thương mại điện tử” trong nước mà vẫn thu hút đầu tư nước ngoài, pháp luật Việt Nam đã mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động sàn “Thương mại điện tử” nhưng cũng đặt ra một số điều kiện cần thiết mà nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng. Theo đó, một công ty có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động sàn “Thương mại điện tử” cần thực hiện ba giai đoạn chính như sau:
- Đăng ký, bổ sung ngành nghề “sàn thương mại điện tử” trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);
- Đăng ký xin cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động sàn Thương mại điện tử;
- Đăng ký sàn Thương mại điện tử với Bộ Công Thương.
1. Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động ngành nghề “sàn thương mại điện tử”
Căn cứ theo quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP:
Website thương mại điện tử là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giaokết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.
Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.
Để xem xét điều kiện hoạt động ngành nghề của nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta cần nghiên cứu điều kiện mở cửa thị trường tại Biểu cam kết về dịch vụ WTO, Hiệp đinh song đa phương Việt Nam đã tham gia và ký kết và quy định pháp luật Việt Nam. Theo đó, hoạt động sàn thương mại điện tử là một ngành nghề kinh doanh chưa được Việt Nam cam kết mở cửa thị trường trong Biểu cam kết về dịch vụ WTO nhưng được pháp luật Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 09/2018/NĐ-CP. Theo quy định của Luật Đầu Tư hiện hành, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét cấp phép hoạt động tùy vào từng trường hợp cụ thể để cấp phép.
Tuy nhiên, đối với hoạt động “sàn thương mại điện tử” đối với ngành nghề này như Shopee, Tiki… Nam đã cho phép một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài được phép hoạt động. Do đó, việc đăng ký, bổ sung ngành nghề hoạt động sàn thương mại điện tử này có khả năng được chấp thuận.
2. Giấy phép kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử và đăng ký hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử của công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Công ty có vốn đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau để được cấp Giấy phép kinh doanh thương mại điện tử tại Sở Công Thương:
- Có kế hoạch tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh.
- Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên
Đáp ứng tiêu chí về sự phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành; sự phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động; khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước; khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước. Sau khi đáp ứng các điều kiện trên, công ty sẽ được Sở Công Thương xem xét chấp thuận dựa trên các tiêu chí: sự phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của vùng, quốc gia; tiến trình đàm phán mở cửa thị trường của Việt Nam; nhu cầu mở cửa thị trường của Việt Nam; chiến lược hợp tác với đối tác nước ngoài của Việt Nam.
Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các tiêu chí để Bộ Công Thương xem xét chấp thuận cũng phần nào thiên hướng chủ quan tại mỗi thời điểm nhằm bảo vệ sự phát triển của doanh nghiệp trong nước. Khi các doanh nghiệp trong nước đáp ứng đủ nguồn lực để phát triển ngành nghề, cơ quan nhà nước sẽ dành sự ưu tiên này cho các doanh nghiệp trong nước thay vì các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, quy định này cũng ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư và có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài thất vọng, nghi ngờ về chính sách mở cửa, thu hút đầu tư của Việt Nam khi quy định pháp luật cho phép hoạt động nhưng thực tiễn việc cấp phép gặp nhiều khó khăn.
Sau khi đáp ứng các điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử, công ty sẽ thực hiện xây dựng website/ ứng dụng, đề án cung cấp dịch vụ, chuẩn bị hợp đồng cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử và thực hiện đăng ký website/ ứng dụng với Bộ Công Thương để chính thức hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử
Ngành nghề hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn là một ngành nghề mới và tiềm ẩn nhiều cơ hội song song với rủi ro đối với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, để bảo vệ sự phát triển của thị trường trong nước, việc đưa ra các quy định để thẩm định và kiểm chứng về năng lực lẫn điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết. Đó là bước đầu rà soát và đảm bảo cho sàn giao dịch thương mại điện tử hình thành trong tương lai hoạt động hiệu quả và đảm bảo bảo vệ được người tiêu dùng trong nước.